Kỹ năng giao tiếp: Trong xã hội và nơi công sở

20 thg 6, 20110 nhận xét

[Marketing4u.vn]  Điều tiết tâm trạng

Để có niềm vui, trước hết bạn phải là người vui vẻ. Sẽ có những lúc bạn mệt mỏi mà chẳng muốn cười tẹo nào, nhưng chắc chắn bạn biết cách “làm giả” nụ cười. Điều kỳ cục là: những nghiên cứu khoa học chứng minh rằng việc bạn dù chỉ là giả tạo để có một nụ cười thực sự có thể gợi lên cảm giác muốn cười. Cười hay ngáp đều có tính chất lan truyền, vì vậy bạn cứ thoái mái mà cười.

Vậy nếu bạn đang cảm thấy chán nản, hãy suy nghĩ về những điều tích cực như ngày cưới của bạn, một trong những sự kiện quan trọng xảy ra trong thời thơ ấu của bạn hoặc của con bạn, cú đánh golf tuyệt vời nhất mà bạn đã thực hiện,… hoặc thậm chí hãy nghĩ xem bạn trông tuyệt vời thế nào trong chiếc quần jeans yêu thích.

Tóm lại, bất cứ khi nào bạn bắt đầu với những suy nghĩ tiêu cực, hãy lái suy nghĩ của bạn vào thị trấn hạnh phúc với những ký ức ngọt ngào. Và đừng quên, màu sắc cũng ảnh hưởng tới tâm trạng đấy. Những màu sắc sặc sỡ sẽ tốt hơn là những màu đen, xám, nâu.

Tạo ra kỉ niệm

Nếu bạn cảm thấy lạc lõng trong bữa tiệc, hãy “nấp” sau chiếc máy ảnh. Chụp ảnh là cách nhanh nhất phá tan sự ngượng ngùng trong giao tiếp. Với máy ảnh kỹ thuật số, bạn sẽ có hàng tỉ cơ hội “chộp” được những bức ảnh tuyệt vời. Mấu chốt là hãy hô hào mọi người lại gần nhau và hãy chụp những bức ảnh bất kỳ. Điều thú vị nằm ở lúc bạn upload ảnh.

Điều quan trọng là hãy chia sẻ những bức ảnh bạn đã chụp qua những mạng chia sẻ như Flickr, Picasa hay Shutterfly. Đây là cơ hội bạn nhận được những phản hồi, chia sẻ của những người bạn quen trong bữa tiệc.

Giới thiệu bản thân

Khi ở chỗ đông người mà bạn không quen biết ai cả, hãy giải quyết sự cô độc bằng cách cổ điển: bước về phía một người nào đó, đưa tay ra, mỉm cười và nói “Xin chào, tôi là …, rất vui được làm quen với bạn.” Tảng băng trong giao tiếp sẽ được phá vỡ.

Biết cách “chơi”

Hãy chơi một trò chơi xã hội nào đó chỉ để cho vui. Các ông bố, bà mẹ thường khuyên con mình nên học chơi một loại nhạc cụ hay môn thể thao nào đó. Thắng, thua không phải việc quan trọng mà điều quan trọng là những thú vui này giúp con người hòa nhập với xã hội, chia sẻ với bạn bè, tạo dựng nền tảng cho quan hệ cộng đồng và thiết lập mối quan hệ cá nhân.

Đôi khi hãy là đôi tai, đừng là cái miệng

Con người ai cũng yêu âm sắc giọng nói của mình. Tuy nhiên, nhiều lúc, bạn bè cần ta để chỉ lắng nghe mà thôi. Trong những tình huống cần thiết, các cuộc hội thoại sẽ tập trung vào những lời khuyên, cách gỡ rối hay là cuộc tìm kiếm trong tâm hồn. Nhưng cũng có lúc, điều bạn cần ta là một đôi tai cực to trong cả tiếng đồng hồ. Những chuyên gia trong lĩnh vực nhân học gọi trường hợp này là “sự lắng nghe tích cực”. Hãy là người tích cực trong những tình huống cần thiết, vì nhiều khi, chính bạn là người cần được người khác lắng nghe.

Chia sẻ hạnh phúc

Có những điều tưởng chừng rất bình thường đối với bạn nhưng lại quý giá đối với người khác. Hãy bắt đầu bằng những lời khen.

Sau đó, hãy nhớ rằng những món quà nhỏ nhắn trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, thăm bệnh rất có ý nghĩa. Hãy đừng quên tặng quà với những ý tưởng tặng mới lạ, đáng nhớ.

Tham gia vào trào lưu Số

Ngày nay, không một cư dân mạng nào có thể phủ nhận sự kết nối tuyệt vời của những mạng xã hội như Facebook bởi chúng là cách mà rất nhiều người dùng để chia sẻ những thông tin cá nhân. Với mạng xã hội, bạn sẽ nhanh chóng và dễ dàng cập nhật những thông tin về người thân, bạn cũ và những gì đang xảy ra trên thế giới này.

Đừng quên nói cảm ơn

Cách cổ điển để nói cảm ơn là bạn viết một lá thư tay cảm ơn. Tuy nhiên, nếu công việc quá bận rộn và việc thư tay tốn thời gian để gửi, hãy gọi điện hoặc viết e-mail để cảm ơn trước khi quá muộn.

Khi viết e-mail cảm ơn, đừng quên đề cập đến lý do bạn không thể viết thư tay. Nếu viết e-mail cảm ơn bữa tối bạn đã được mời đến thì đừng quên kể lại một sự kiện đáng nhớ của bữa tối hôm đó, bày tỏ sự ngưỡng mộ với món tráng miệng hoặc món ăn nào đó mà bạn được mời cũng như sự nhiệt thành của chủ nhà, gửi kèm một bức ảnh bạn đã chụp sẽ càng tuyệt vời hơn. Mục đích của thư cảm ơn là khiến người nhận cảm thấy sự biết ơn của bạn. Vì thế, hãy cảm ơn theo cách mà bạn có thể bày tỏ sự biết ơn của mình.


Kỹ năng giao tiếp trong công sở


Với các mối quan hệ nơi công sở, thất bại trong giao tiếp thường là nguyên nhân của những bất đồng hoặc hiểu lầm giữa các đối tượng giao tiếp. Theo nhiều kết quả khảo sát, thất bại trong giao tiếp thường không phải do khác biệt văn hóa hay bất đồng ngôn ngữ. Nhiều người gặp khó khăn trong giao tiếp với cấp trên hoặc cấp dưới của mình, dù rằng họ nói cùng thứ tiếng và có chung một nền văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giao tiếp hiệu quả nếu cả hai phía đều biết lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau.


Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau là một bí quyết để thành công khi giao tiếp nơi công sở.


Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp ở nơi làm việc:



Chú ý vào "nội dung trao đổi" chứ không phải "người phát ngôn"



Đôi khi, chúng ta thường bị tác động bởi định kiến về một người trước khi thực sự hiểu rõ nội dung thông tin mà người đó truyền đạt. Nếu bạn đã có thành kiến về một đồng nghiệp thì bạn thường không chịu chú ý lắng nghe thông tin mà họ chia sẻ.


Bên cạnh sự yêu ghét cá nhân, chúng ta còn đánh giá người đối thoại qua điệu bộ, cử chỉ, thái độ và thậm chí là dung mạo của họ khi nói chuyện. Vì tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến việc bạn có chấp nhận thông tin của họ hay không nên bạn cần tự nhắc nhở rằng "quan trọng là họ nói gì chứ không phải họ là ai"!



"Tại sao" chứ không chỉ là "cái gì"?

Một khi đã nắm được nội dung thông tin, bạn cần suy nghĩ và tìm hiểu vì sao người ta trao đổi vấn đề đó với bạn. Ví dụ: sếp bạn ra thông báo kể từ đầu năm nay, công ty áp dụng giờ làm việc buổi sáng bắt đầu từ 8 giờ đến 9 giờ và không quá 9 giờ. Nếu chỉ chăm chăm vào nội dung thông tin, bạn có thể sẽ cảm thấy không thoải mái. Nhưng nếu tự đặt câu hỏi "tại sao" bạn sẽ hiểu thêm và thấy được lợi ích của quy định này. Giờ làm việc như vậy sẽ giúp bạn linh động về thời gian làm việc hơn và thử nghĩ xem, lỡ có bị kẹt xe thì bạn cũng sẽ tránh được việc đi làm trễ giờ.


Lắng nghe rồi mới đánh giá

Tất cả chúng ta đều biết mình nên tìm cách hiểu đúng quan điểm của người phát ngôn trước khi đánh giá quan điểm của họ. Bạn có thể chờ đến khi kết thúc cuộc trò chuyện rồi mới đánh giá nếu không cần thiết phải đưa ra quyết định ngay lập tức. Đừng vội đánh giá, quyết định hay đưa ra kết luận khi chúng ta chưa chắc chắn về những điều đã nghe.


Không nhất thiết phải là trao đổi trực tiếp, viết cũng được

Sẽ rất khó giao tiếp với những người hơi nhạy cảm hoặc những người khó có thể tập trung lắng nghe từ đầu đến cuối. Vì vậy, bạn nên viết thư hoặc để lại tin nhắn cho họ trước khi muốn trực tiếp trao đổi. Ngoài ra, những người gặp khó khăn khi phải diễn đạt bằng lời nói cũng có thể sử dụng cách này để giao tiếp hiệu quả hơn.


Thông tin đơn giản và dễ hiểu

Nghĩa là bạn nên sử dụng những cách diễn đạt đơn giản; dùng từ ngữ dễ hiểu, đơn nghĩa, chính xác để người nghe dễ dàng nắm bắt được nội dung thông tin. Những từ ngữ lạ, chuyên biệt hoặc lối nói khách sáo chỉ làm tăng thêm khoảng cách giữa bạn và người đối thoại và khó đạt được hiệu quả giao tiếp.


Tiếp nhận phản hồi

Việc chuyển tải nội dung thông tin chỉ là bước đầu tiên trong quá trình giao tiếp. Cả người nói và người nghe đều cần khuyến khích người kia phản hồi. Phản hồi giúp bạn biết được người đối thoại có thực sự nắm bắt được vấn đề đang trao đổi hay không, có hiểu đúng hay không. Từ đó bạn sẽ khẳng định lại những thông tin chưa được hiểu đúng, tránh việc thực thi sai hoặc hiểu lầm.


Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau

Bất cứ ai, nếu giao tiếp với tinh thần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau đều thấy rõ ràng hiệu quả giao tiếp sẽ tốt hơn. Với niềm tin và sự tôn trọng, bạn trao đổi cởi mở hơn và thẳng thắn hơn. Do vậy, cuộc hội thoại giữa bạn và đối tác sẽ mang tính tương tác nhiều hơn và tất nhiên sẽ hiệu quả hơn.


Lưu ý cấp bậc trong giao tiếp

Bạn cũng nên chú ý thêm yếu tố cấp bậc, chức vụ của đối tượng giao tiếp. Các chuyên gia tư vấn khuyên rằng: nếu nói chuyện với cấp trên, bạn nên làm rõ các điểm, ý chính, trao đổi chính xác và chú ý lắng nghe/ghi chép những nhận xét của cấp trên. Còn nếu bạn nói chuyện với cấp dưới, luôn luôn giải thích chi tiết các vấn đề và đừng quên hỏi nhân viên cấp dưới xem họ suy nghĩ gì hoặc phản hồi như thế nào về vấn đề đó.ới các mối quan hệ nơi công sở, thất bại trong giao tiếp thường là nguyên nhân của những bất đồng hoặc hiểu lầm giữa các đối tượng giao tiếp.


Nghệ thuật tạo thiện cảm trong giao tiếp

Tạo thiện cảm trong giao tiếp, nhất là lúc sơ giao, là điều không phải ai cũng dễ dàng làm được. Nhỏ thôi, có khi đó là quần áo bạn mặc, hay là một là nụ cười, ...nhưng bạn có thể nhận được bao điều tốt đẹp, hoặc có thể mất cả một hợp đồng làm ăn!

Bạn có luôn chuẩn bị chu đáo trước khi gặp ai đó? Bạn có để ý đến trang phục, trang sức hay nước hoa của mình? "Trang phục là thông điệp không lời, cách bạn mặc cũng là cách để bạn chuyển tải thông tin", hoa hậu Ngọc Khánh chia sẻ. Quả thật, một bộ trang phục có giá trị không hẳn lúc nào cũng thích hợp và tôn lên bạn là ai! 

Đến một buổi xin việc trong vị trí tuyển dụng là nhân viên văn phòng, bạn lại mặc quần jeans đánh bạc, áo pull; hay đến gặp đối tác là một chuyên gia thời trang trong một quán cà phê trẻ trung, bạn lại "kín cổng cao tường" trong bộ sơ mi tuềnh toàng và cổ điển..., thì có thể bạn đã mất điểm từ cái nhìn đầu tiên của những người mà bạn sắp giao tiếp. Hay trang sức quá cồng kềnh, hoặc không hợp tuổi? Nước hoa thì quá nặng mùi, mà bạn không biết chắc người gặp mình có bị chứng dị ứng với những loại mùi hương hay không!... 

Một "nghệ thuật" rất quan trọng để đem đến thiện cảm trong giao tiếp chính là ngôn ngữ của bạn. Câu nói của ông bà ta "Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe"... xem chừng không bao giờ sai. Một giọng nói nhẹ nhàng, thanh tao; lên giọng, xuống giọng đúng lúc sẽ luôn dễ dàng đi vào lòng người hơn đó là những nói oang oang một cách không ý thức. 

Một cán bộ nhân sự ngân hàng bộc bạch : "Tôi rất bức xúc khi thấy không ít bạn SV thực tập, hoặc SV mới ra trường, dù đã được huấn luyện trước, nhưng hình như không có ý thức mở một nụ cười và lời chào thân thiện khi gặp những đồng nghiệp đi trước trong cơ quan. Tôi nghĩ nhà trường phổ thông hoặc giảng đường ĐH cần có hình thức giáo dục những kỹ năng sống này cho các bạn trẻ ấy, bởi đó là những điều quan trọng trong cuộc sống và làm người khác có thể yêu hay ghét bạn dù chưa nói với nhau lời nào"...

Để ghi điểm, bạn còn phải ghi nhớ những chuyện tưởng chừng như nhỏ mà không nhỏ : tên gọi của người đang trò chuyện với bạn. Lần sau khi gặp lại, bạn có thể quên nhưng hãy khéo léo xin lỗi họ là bạn quên, thay vì gọi họ bằng những danh xưng "cô ấy ơi", "chị ấy ơi"... trong khi tuổi tác và vai vế của bạn không cho phép. 

Ngoài ra, nếu ghi nhớ về sở thích của họ thì càng tốt cho bạn, sẽ giúp bạn dễ chiếm cảm tình của họ hơn. Và cả lời khen, bạn có "tiết kiệm" lời khen không? Một lời khen cho vợ, cho chồng, cho con và rộng hơn đó là đồng nghiệp... - bạn có thường xuyên gửi đến họ đúng cách, đúng lúc, hay bạn cho đó là chuyện không quan trọng.

Lắng nghe cũng là một nghệ thuật, từ ánh mắt đến tư thế của bạn. Bạn hãy tập cho mình một cách lắng nghe đúng mực, đôi mắt không quá "dán sát" vào người đang nói, hoặc lại không có sự tập trung; những cái gật đầu nhè nhẹ khi đang nghe người khác nói cũng sẽ giúp mọi người đánh giá cao bạn. Quan trọng, bạn cũng nên ghi nhớ : Nói thật ít và lắng nghe thật nhiều...

Giao tiếp là một hoạt động mà bạn phải đối mặt thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, từ đơn giản đến phức tạp, từ với một người đến đám đông. Để hoàn thiện, bạn cần cả một quá trình và đôi lúc cần được học bài bản. Bởi có được sự thiện cảm trong giao tiếp, bạn sẽ dễ dàng thực hiện được nhiều điều bạn mong muốn...
Sưu tầm: Marketing4u
Chia sẻ cho bạn :
 
Copyright © 2012 Nghiên Cứu Marketing - Quý Hải | Email: hai.quy@gmail.com - All Rights Reserved
Supported by MAS Group Việt Nam
Từ khóa: Marketing | Truyền thông Marketing | Quản trị | Thương hiệu | Kỹ năng mềm | Tư vấn Marketing | Nghiên cứu Marketing | Online Marketing | Social Marketing